Update 2021/12/15 cách có ông chú ở Viettel, không sợ đứt cáp ở mục số 7 nhé

Việt Nam là cường quốc đứt cáp, với chu kỳ một năm 6 lần, mỗi lần sửa mất đâu đó tầm một đến hai tháng (số tâm linh thôi). Bởi thế, cứ đến mỗi mùa cá 🦈🦈🦈 cắn cáp là tiếng chửi thề, tiếng đinh công mạnh, tiếng mo thờ fắc cơ của dân công nghệ, gaem thủ, tiktoker, cày phim thủ vang lên thấu trời. Dân kỹ thuật sửa cáp thì chạy suốt ngày vì khách hàng gọi chửi, gọi tới kiểm tra, đám CS của ISP thì bước vào một mùa nghe chửi dồn dập qua tổng đài và luyện đi luyện lại một câu xin lỗi. Nhưng đến cuối cùng, người dùng cũng chẳng thể làm gì và đành nuốt cục tức vào bụng, thề một lời thề không bao giờ dùng thằng ISP “xxx” này nữa.

camap_capquang

Tui cá mấy fen cũng từng trải qua những giai đoạn như thế và cũng từng tìm hiểu, nghe tư vấn là nên chuyển sang nhà mạng nào tốt hơn với các cú pháp cơ bản như sau: Đcm <X> mạng như shịt, nhờ anh em tư vấn nên đổi sang <Y> hay <Z>. Với X = Y = Z = random(FPT, Viettel, VNPT). Đây là 3 nhà mạng lớn nhất ở VN và chiếm thị phần lớn nhất, còn mấy nhà mạng lẻ tẻ khác không kể tới.

Vậy câu hỏi đặt ra là thằng X, thằng Y và thằng Z thì thằng nào tốt hơn? Để trả lời được câu hỏi này, tui sẽ phân tích các yếu tố về kĩ thuật, kinh doanh, giá cả, dịch vụ và công nghệ để xem thằng nào tốt hơn nhé. Ở đây chỉ nói về dịch vụ cáp quang Internet (và kèm TV) FTTH và 3/4G nếu có (FPT không có) chứ ko nói đến cách dịch vụ viễn thông hoặc các dịch vụ đường truyền riêng khác.

1. Mô hình kinh doanh

Về mô hình kinh doanh, hầu như các nhà mạng đều cung cấp các dịch tương tự nhau, chia ra như sau:

  • Gói cáp quang dành cho khách hàng cá nhân
  • Gói cáp quang dành cho khách hàng doanh nghiệp
  • Gói Combo internet cáp quang + truyền hình

Tất cả 3 nhà mạng lớn đều cung cấp dịch vụ như vậy, chỉ khác nhau về tên gọi, còn lại tương tự nhau. Các nhà mạng hiện tại cũng đều tặng thiết bị modem đi kèm (thường là hàng gia công, mod miếc lại firmware), không có gì khác biệt. Với gói combo, nó cũng chỉ là cáp quang cá nhân nhưng cộng thêm gói truyền hình có mấy kênh VTV, HTV K+ này nọ để xem banh bóng này nọ thôi.

Và để chọn một gói cước, thường mấy ông sẽ quan tâm các vấn đề sau:

  • Tốc độ, ví dụ như 40Mbps hay 80Mbps
  • Giá cước một tháng là bao nhiêu?
  • Phí lắp đặt ban đầu bao nhiêu?
  • Tặng modem gì, có tặng hay không?
  • Khuyến mãi đóng 6 tháng, đóng 1 năm có được tặng gì không?

Kể cho dài vậy chứ mấy fen thử làm một cái bảng excel so sánh sẽ thấy thực ra tất cả các vấn đề trên chỉ có một chút khác biệt giữa các nhà mạng trong cùng phân khúc gói cước. Nó có thể chênh 10-20k tiền cước hoặc chênh 5-10Mbps, có thể tặng 1 tháng, hoặc 2 tháng hoặc 4 tháng nếu đóng trả trước 1 năm. Chỗ có phí lắp đặt thì họ lại bù vào chỗ khác, chỗ không phí lắp đặt thì lại tăng ở chỗ khác một tí. Thực ra chênh 5-10Mbps trên một gói 100Mbps cũng chẳng có gì khác biệt nếu dùng cho gia đình, cá nhân, trừ khi có rất nhiều thiết bị và thiết bị nào cũng chiếm vài chục Mbps, còn lại có tăng giảm xíu cũng ko ảnh hưởng tới trải nghiệm.

Tui chỉ rút ra một kết luận là trong cùng một nhóm KH, các gói cước cơ bản là như nhau, chọn cái nào cũng được, không có quá nhiều sự khác biệt.

Tuy nhiên mấy cha nội nhà mạng rất lập lờ khi cung cấp thông tin dịch vụ tới KH, họ thường đánh lừa bằng các con số hoa mỹ và ẩn đi các con số hoặc các thông tin cần thiết hoặc không cam kết (nhưng trong hợp đồng chắc có, nhưng ai rảnh mà đi đọc cái hợp đồng dài mấy tờ A4). Mà một trong các con số rất hay bị đánh lừa, làm nhầm lẫn đó là băng thông.

2. Băng thông

Trong các thông tin về gói cước của nhà mạng thì Tốc độ ám chỉ băng thông với đơn vị là Mbps. Giải thích một cách đơn giản thì băng thông là tốc độ truyền dữ liệu tối đa trên một đường truyền, mấy fen tưởng tượng đường cáp quang Internet nó như cái đường cao tốc có bề ngang rộng bao nhiêu và có bao nhiêu làn đường á. Ví dụ cao tốc Long Thành Dầu Giây có lộ giới 26.5m, 4 làn xe thì tối đa chỉ chạy được 4 xe ngang hàng đồng thời. Mbps cũng vậy, nó thể hiện tối đa bao nhiêu bit có thể truyền trên đường truyền trong đó 1 Megabit = 10^6 Bits = 1_000_000 Bits.

Công thức chuyển đổi đơn vị như sau:

1 MBps = 1024 KBps = 1024 x 1024 Bytes/s = 1024 x 1024 x 8 bits

Ví dụ nếu nhà mạng nói tốc độ của gói cước là 100Mbps, thì có nghĩa là có thể truyền tải tối đa 100 x 1_000_000 triệu bit trên giây tương đương theo chuẩn SI (nếu tính mỗi đơn vị cách nhau 1024) thì 100Mbps ~ (100/8) ~ 12.5MBps) (ko theo SI là 100_000_000 / (1024 * 1024 * 8) ~ 11.92). Giả sử có một bộ-phim-mà-ai-cũng-biết-là-phim-gì-đấy nặng 1GB, thì với tốc độ 12.5MBps, sẽ mất tầm 1 phút 20 giây để tải xong bộ phim này.

Vấn đề quan trọng nó nằm ở chữ tối đa, nhà mạng có thể dùng các kỹ thuật khác nhau để đảm bảo rằng người dùng không vượt ngưỡng đó, tránh ảnh hưởng tới băng thông chung ví dụ kỹ thuật QoS. Nhưng nếu đã là tối đa thì ở trạng thái bình thường hoàn toàn có thể thấp hơn mức đó rất nhiều. Nên thứ cần quan tâm ở đây là băng thông tối thiểu mà nhà mạng giới hạn chúng ta là bao nhiêu?

Băng thông thì nó lại chia là:

  • Băng thông trong nước là tốc độ đường truyền truy cập tới các dịch vụ, server trong nước, ví dụ mấy fen đọc báo trên https://zing.vn, truyền file qua Zalo, tải fin trên Fshare. Với băng thông trong nước, đường nhà mình, do mình xây mà, sợ gì, chạy tẹt vi vu thoải mái có mất tiền gì đâu.
  • Băng thông quốc tế là tốc độ đường truyền truy cập các dịch vụ quốc tế như Facebook, xem Youtube, Netflix, truy cập AWS này nọ (bỏ qua vụ caching của Youtube hay Facebook tại các DC Việt Nam nhé). Với băng thông quốc tế thì tất nhiên không có hạ tầng rồi, mà không có hạ tầng thì phải đi thuê của mấy thằng khác, nó đòi phí cao thì mình cũng phải chịu nó, nên thường băng thông quốc tế sẽ thấp vì chi phí cao (tí sẽ nói thêm). Việc của các ISP là họ sẽ đấu nối hạ tầng của họ vào hạ tầng cáp quang quốc tế cho chúng ta sử dụng, ví dụ mấy cái cáp biển mà mấy fen hay đổ cho con cá mập nó cắn đó.

Nói tiếp về băng thông tối thiểu, nhìn vào mô hình kinh doanh thì mấy fen sẽ thấy có sự khác biệt giữa KH cá nhânKH doanh nghiệp, tuy nhiên nhà mạng rất cmn khéo léo bằng cách không cung cấp thông tin này hoặc nói rất mập mờ về các thông tin này.

  • Với KH cá nhân, không cam kết về băng thông quốc tế tổi thiểu (băng thông trong nước thì rẻ, tự xây dựng nên không cần cam kết) (ví dụ gói tui xài VNPT khi hỏi bạn sale nhiều lần thì bạn í mới nói là cam kết quốc tế tối thiểu là 512Kbps, rất thấp so với tốc độ là 80Mbps)
  • Với KH doanh nghiệp, với mỗi gói sẽ có cam kết băng thông quốc tế tối thiểu khác nhau tuỳ chi phí của gói đó.

Ở thời điểm này, tui đã tham khảo một số gói cước dành cho KH cá nhân của 3 nhà mạng lớn, thì tất nhiên làm gì có cái gọi là cam kết băng thông quốc tế tối thiểu (hoặc hỏi trực tiếp sale thì chỉ từ 256Kbps - với Viettel và 512Kbps với VNPT). Nhưng xin lưu ý là họ có thể lập lờ về câu chữ bằng từ QTTD hay băng thông quốc tế tối đa hoặc chỉ đơn giản là tốc độ truy cập quốc tế, thì đều có nghĩa là tối đa hết, mà tối đa thì cũng ko biết xui rủi thấp nhất là bao nhiêu.

Dưới đây tui có cái bảng so sánh về cam kết băng thông quốc tế tối thiểu của nhà mạng cho gói KH doanh nghiệp. Các thông tin dưới đây tui tham khảo tùm lum chỗ, vì nhà mạng không bao giờ cung cấp cụ thể, và rất nhiều các domain tựa tựa nhau nhìn như phishing site. Với cú pháp là Tốc độ/cam kết quốc tế tối thiểu/ chi phí.

FPT Viettel VNPT
Fiber Business 60Mbps/1.712Mbps (800.000/tháng)
Fiber Plus 80Mbps/1.7Mbps (2.000.000/tháng)
Fiber Silver 100Mbps/1.7Mbps (2.500.000/tháng)
Fast 60 Plus 60 Mbps/2Mbps (1.400.000/tháng)
Fast 80 Plus 80 Mbps/3Mbps (3.300.000/tháng)
Fast 100 Plus 100 Mbps/3Mbps (6.600.000/tháng)
Fiber100 Eco+ 150Mpbs/2Mbps (1.320.000/tháng)
Fiber100 + 150Mpbs/4Mbps (2.750.000/tháng)
Fiber100 VIP+ 150Mpbs/6Mbps (4.400.000/tháng)

Đấy, mấy fen thấy không, dù tốc độ rất cao, nhưng cam kết quốc tế rất thấp, nhiều khi chỉ bằng 1-3% tốc độ mà nhà mạng quảng cáo. Trong khi chi phí bỏ ra hàng tháng là rất cao, tức là với cá nhân thì trả vài triệu tiền Internet hàng tháng là quá mức chấp nhận.

Dựa vào thông tin cam kết trên, ta sẽ nói về tình huống đứt cáp nối ra quốc tế, dù nó là sự cố cố tình hay vô ý. Khi có thông tin về đứt cáp mấy fen sẽ thấy:

  • Truy cập các site trong nước vẫn rất nhanh, vì hạ tầng trong nước đâu có ảnh hưởng
  • Nhưng truy cập các trang quốc tế rất tệ, đôi khi speedtest thấy tốc độ rớt thê thảm (vô mấy diễn đàn, group facebook thấy người ta chửi hoài là biết).

Sau đó mấy fen sẽ bực tức, gọi lên nhà mạng, chửi ì xèo, bắt xuống kiểm tra modem, đường truyền, đòi cắt hợp đồng dịch vụ, đòi trả lại tiền …bla ..bla. Tuy nhiên nói một cách công bằng theo hợp đồng ký với nhà mạng thì nhà mạng không SAI vì:

  • Họ không cam kết về tốc độ quốc tế tối thiểu trong hợp đồng với KH cá nhân hoặc cam kết mức thấp (1Mbps) với KH doanh nghiệp, nên trong trường hợp suy hao, họ hạ về mức thấp miễn sao ko vi phạm điều khoản hợp đồng.
  • Còn nói về sự cố cáp biển, thì vấn đề là sự cố ở đâu, ở phần đấu nối hay ở tuyến cáp biển, nếu ở phần đấu nối thì đó là trách nhiệm của ISP, ISP phải có nghĩa vụ thông báo với KH, còn sự cố ở phần cáp biển, thì bản thân ISP cũng là KH của một đối tác quốc tế, nhưng với khách hàng đầu cuối thì cũng không quan tâm lắm, ISP vẫn phải có trách nhiệm, ở đây chỉ giải thích là không phải lúc nào cũng là lỗi 100% của ISP.

3. QoS

Nếu sự cố đường truyền quốc tế là thật thì việc bóp băng thông quốc tế của KH cũng là chuyện dễ hiểu. Cứ tưởng tượng có 7 đường đi từ trong nước ra quốc tế với tải lượng user không đổi là 20 triệu người dùng. Số người dùng này bao gồm cá nhân doanh nghiệp sẽ được chia tỉ lệ cho 7 đường quốc tế đó. Nhưng nếu chỉ còn 5 đường truyền thì rõ ràng để đảm bảo dịch vụ cho KH đặc biệt là nhóm KH doanh nghiệp, ISP sẽ phải thao tác chuyển hướng và bóp băng thông của tất cả các KH lại mà người chịu thiệt nhất là KH cá nhân (KH doanh nghiệp ko dám bóp quá vì vi phạm hợp đồng).

4. Tại sao 4G vẫn nhanh, tại sao nhà bạn tui xài thằng khác không chậm?

Trong mùa đứt cáp, có nhiều fen thắc mắc là tại sao mạng cáp quang thì chậm mà xài 3G/4G vẫn nhanh như thường? Vậy rõ ràng là nhà mạng bóp băng thông rồi còn gì. Cái này đúng, nhưng như tui nói ở trên, họ được quyền bóp về mức tối thiểu trong hợp đồng mà họ cam kết mà không vi phạm hợp đồng. Còn 4G vẫn nhanh thì nó là một chiêu trò trong kinh doanh và nó cũng khá là bỉ ổi.

  • Với cáp quang, trả mỗi tháng 150 - 300K, không bị giới hạn dung lượng, thích dùng bao nhiêu thì dùng
  • Với 4G có thể trả theo ngày (mỗi ngày 5K) hoặc trả theo gói tháng, nhưng có giới hạn dung lượng (ví dụ ngày xài 512MB hoặc 3G), hết dung lượng phải mua thêm

Thử làm một phép tính mấy fen sẽ thấy rõ ràng với vài GB dung lượng một ngày thì làm sao đủ để giải trí. Mà mua thêm dung lượng thì doanh thu tăng, so sánh với cáp quang thì trả hàng ngày với dung lượng giới hạn rõ ràng là hời hơn cho nhà mạng rồi. Nên họ mới có trò bóp cáp quang, thả 4G là vậy. (=))) tất nhiên tui suy đoán thôi nha mấy pa).

Còn vấn đề là tại sao nhà bạn tui xài nhà mạng không tệ như vậy mà nhà tui lại chậm :v vấn đề này tui không biết nhưng tui đoán là do bạn xui :))) vô tình cáp mạng khu bạn sống hỏng hóc, suy hao gì đó hoặc modem nhà bạn có vấn đề gì đó hoặc đơn giản là khu nhà bạn xài hạ tầng cũ từ lâu, nhà mạng chưa nâng cấp, còn nhà cha kia là chung cư mới, hạ tầng mới lắp đặt nên chưa suy hao hỏng hóc gì hoặc do AP của bạn hư, hoặc do nhiễu channel ..vân vân…mây…mây. Nói chung cứ gọi kỹ thuật tới kiểm tra, nếu họ nói fixed rồi mà vẫn chậm thì hiểu nhé, tình trạng chung cả thôi.

5. Nên xài nhà mạng nào, có nên đổi nhà mạng không?

Nhiều bạn bè hay hỏi tui nên xài nhà mạng nào? tui chỉ khuyên là xài thằng nào cũng được, thích thằng nào thì xài thằng đó, thích cách trả lời support, thái độ làm việc của ai thì xài thằng đó, không phải lựa chọn, vì nhanh chậm nó tuỳ nhân phẩm.

Có người xài FPT 3-4 năm chẳng sao, nhưng chuyển nhà sang khu khác thì chửi suốt ngày, đổi sang VNPT lại thấy nhanh nên nghĩ VNPT tốt. Có người khác thì cũng xài VNPT nhưng đen đủi sao cáp hư, modem hư, gọi CS thì thái độ lồi lõm, đổi sang Viettel lại thấy ổn, nhưng ngược lại có ông gọi 800 cuộc đt chỉ để chửi Viettel vì bóp băng thông dù có ông chú làm ở Viettel. Có ông thì đang xài Viettel chậm quá, nhưng vừa đổi sang VNPT lại đúng lúc cáp biển quốc tế sửa xong, thế là nó nhanh lại, lại nghĩ là VNPT tốt hơn Viettel. Hoặc cũng có thể là do vấn đề về sóng Wireless bị trùng kênh, thiết bị AP bị hỏng hóc, suy hao gì đó hoặc con modem quay PPPoE cũ quá (có thể kêu nhà mạng đổi con mới hơn hoặc tự mua con khác). Nói chung có rất nhiều điều có thể tác động nên vấn đề mạng nhanh hay chậm. Thế nên theo tui không cần phải suy nghĩ, cứ chọn đại một thằng nào đó, xài mà không thấy hài lòng thì đổi.

Vậy mạng đang chậm, có nên đổi sang mạng khác không? Trừ khi đổi lên gói doanh nghiệp có cam kết quốc tế, còn lại thì tui thấy đổi hay không, không quan trọng, đã đứt cáp, bóp băng thông quốc tế thì nhà mạng nào cũng như nhau cả thôi. Chưa kể đổi mà chưa hết hợp đồng còn bị phạt, mất thêm mấy trăm ngàn mà rước bực vào thân.

Nhưng nếu đã hết hạn hợp đồng mà không thích các cung cấp dịch vụ thì cứ đổi, KH mới lúc nào chẳng được săn đón, nhưng mấy fen phải hiểu bản chất vấn đề là đổi nhà mạng không giúp mạng quốc tế nhanh hơn đâu nhé =))) mình thích thì mình đổi thôi.

6. VPN

Nhiều người hay chia sẻ một mẹo đó là nếu xài VPN trong mùa đứt cáp thì sẽ có chất lượng tốt hơn. Cái này đúng, nhưng chưa đủ. Quan trọng là server VPN đó đặt ở đâu và băng thông từ VPN server ra quốc tế là bao nhiêu?

Nếu VPN server đặt trong nước:

  • Từ máy tính của bạn -> VPN server là đường truyền trong nước, không bị suy hao gì cả nên sẽ đặt xấp xỉ tốc độ nhà mạng cung cấp, ví dụ 80Mbps.
  • Nếu băng thông từ VPN server ra quốc tế đạt một ngưỡng tối thiểu nào đó thì bạn sẽ ra quốc tế nhanh hơn một chút
  • Nếu băng thông từ VPN server ra quốc tế bằng từ máy bạn ra quốc tế thì VPN chẳng giúp được gì

Có 2 phương pháp mà nhiều người hay xài khi setup VPN server trong nước đó là:

  • Tận dụng gói cước doanh nghiệp của cty, ví dụ cty có nhiều nhân viên nên dùng gói cước có cam kết tối thiểu là 3Mbps, nên nhà mạng sẽ không thể bóp xuống dưới mức này. Setup một con VPN trong nội bộ cty và NAT ra ngoài, lúc đó ở nhà có thể quay VPN tới server này, route toàn bộ traffic qua VPN thì sẽ tương tự như đang ngồi ở VP công ty -> Nếu xài ké được thì coi như miễn phí
  • Mua một con VPS của một nhà cung cấp dịch vụ trong nước, cài đặt VPN server lên con này và thường thì đường truyền Data Center ra quốc tế sẽ tốt hơn so với gói cước nhà bạn. Tuy nhiên các hosting provider họ cũng giới hạn, ví dụ VNG Cloud họ giới hạn download 2Mbps hoặc FPT Cloud hỗ trợ 3Mbps quốc tế (tính 100K/tháng chưa bao gồm máy ảo, nhưng FPT Cloud tính cost trên giờ, nên khi nào ko xài có thể tắt, nhưng vẫn còn quá đắt, còn các provider khác thì không thấy cung cấp rõ ràng, mấy fen sẽ tốn thêm vài trăm ngìn một tháng nữa :)) cũng bằng gói cước Internet luôn rồi.

Nhưng cũng chỉ cải thiện một chút lên tầm 1Mbps - 3Mbps thôi, đủ cho nhu cầu làm việc, giải trí cơ bản.

Nếu VPN server đặt ở nước ngoài ví dụ như Sing, Hong-Kong với các nhà cung cấp dịch vụ như Linode, Digital Ocean, Vultr, chi phí rất rẻ, chỉ tầm $5/tháng, nhiều khi mấy ông dev còn có sẵn server rồi, chỉ cần tận dụng thêm. Tuy nhiên vì ISP đã bóp băng thông quốc tế, nên bản thân tunnel VPN khi quay tới VPS cũng đã bị bóp xuống rất thấp rồi (256/512Kbps với KH cá nhân) nên dù băng thông của VPN server có cao như thế nào vẫn bị bottleneck ở đường ra quốc tế. Nên túm lại xài VPN server ở quốc tế không giúp gì cho việc cải thiện tốc độ mạng cả.

7. Ông chú Vịt teo

Dựa trên các mô hình kinh doanh, cách bóp băng thông, cách giảm lưu lượng của người dùng như trên, nhà mạng họ sẽ bóp băng thông của các khách hàng cá nhân một cách vô tội vạ. Ví dụ có 10 KH, nhưng đến 7 ông là có nhu cầu sử dụng ít thì bóp luôn cả 10 ông, vì đa phần không phải KH nào cũng có kiến thức và phản ánh dịch vụ cả. Nên một mẹo để đường truyền không bị bóp và tránh bị suy hao đó là “chửi văn minh”. Tui sẽ lấy ví dụ của chính tui cho các bạn thấy.

  • Gói cước tui xài là gói bèo nhất của VNPT, băng thông gốc là 40Mbps, sau đó được nhà mạng nâng lên 80Mbps, băng thông quốc tế tối thiểu là 512Kbps
  • Ngày 15/12/2021, mạng rất chậm kể cả đường truyền trong nước, tất nhiên đây là giai đoạn đang đứt tới 2-3 đường cáp quốc tế gì đó
  • Tui kiểm tra bằng speedtest với 3 lần test như sau:
    • Tới VNPT HCM, đạt nhỏ hơn 40Mbps (tức là không đạt cam kết trong nước)
    • Tới Tokyo Jp, đạt ~10Mbps (vẫn cao hơn mức cam kết, okie không phàn nàn)
    • Tới San Francisco, CA, đạt 0.3Mbps, tức là thấp hơn mức cam kết
  • Gọi lên tổng đài, giải thích các thông số trên và hỏi một cách lịch sự về vấn đề bóp băng thông trong nước và quốc tế
  • Không có gì bất ngờ, bạn CS sẽ nói là làm mới lại cấu hình và khởi động lại thiết bị, sau khi chờ modem reboot tui kiểm tra lại cũng 3 lần test như trên thì tất cả các kết quả đều đạt >100Mbps
  • Nhưng đừng vội mừng =)) có thể chỉ tối hoặc vài hôm sau nhà mạng lại bóp băng thông lại thôi =)) tiếp tục vòng lặp, gọi, phản ánh nhé =))))
  • Thường thì buổi tối sẽ chậm hơn ban ngày, vì lưu lượng sử dụng buổi tối để giải trí sẽ cao hơn, nên dù đã được nhả băng thông nhưng tối vẫn bị lại nha ae.

Nghe có vẻ vô lý nhưng lại rất thuyết cmn phục 😎, như nói ở trên thì họ sẽ bóp hết và chỉ nhả băng thông lại cho ai phản ánh về chất lượng dịch vụ, còn nếu không ai phản ánh thì kệ như vậy sẽ có lợi cho họ hơn. Nhưng lưu ý văn minh, lịch sự và có kiến thức nhé, chứ mấy bạn CS đó cũng không có tội tình gì đâu, nghề đó áp lực lắm.

Âu kê, vậy đó, chốt lại là mạng nhanh hay chậm tuỳ nhân phẩm nha mấy fen, dừng ở đây nhé.

thoi